Có hơn 120 giống cà phê trên thế giới, nhưng hầu như chỉ có hai loại xuất hiện trong ly cà phê hằng ngày của bạn, đó là Coffea arabica, gọi tắt là Arabica và Coffea canephora, hay còn gọi là Robusta. Thoáng nhìn thì vẻ ngoài của hai loại cà phê có vẻ giống nhau, nhưng đừng vì thế mà nhầm lẫn bạn nhé! Ở blog này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về hai loại hạt cà phê phổ biến nhất trên thế giới: Arabica và Robusta nhé.
Cà Phê Arabica: Sự pha trộn tinh tế?
Hạt cà phê Arabica xuất hiện lần đầu tiên tại khu vực Ethiopia, cho đến nay, loại hạt này đã được trồng rộng rãi ở các vùng như Nam Mỹ, Trung Mỹ, Châu Phi, và một số khu vực ở châu Á. Hạt cà phê Arabica hiện nay đã chiếm tới hơn 60% tổng sản lượng cà phê trên thế giới, thường được coi là loại cà phê cao cấp với giá trị cao.
Về hình dáng, hạt cà phê Arabica thường có hình bầu dục với rãnh sâu hình chữ S, trong khi hạt Robusta lại có rãnh thẳng và nông hơn. Arabica được biết đến với hương vị tinh tế, phức tạp, và thường có hương thơm hoa quả, hoa cỏ, hoặc hạt cacao. Trên thực tế, hương vị của Arabica có thể biến đổi tùy theo nơi trồng và điều kiện thời tiết. Cụ thế, Arabica chứa từ 15 -17% dầu và chứa từ 6 – 9% đường, cao hơn Robusta rất nhiều. Chính vì vậy, ly cà phê từ hạt Arabica sẽ có vị ngọt và các tầng lớp hương vị phức tạp cùng cấu tạo mượt mà hơn hạt Robusta.
Arabica thường được ưa chuộng bởi những người yêu thích cà phê cao cấp, với mức giá thường cao hơn so với Robusta. Loại hạt này thường được sử dụng để pha các loại cà phê Espresso và đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng.
Liệu hạt Robusta có lép vế?
Có lẽ chúng ta không còn quá xa lạ với Robusta, giống cà phê được trồng chủ yếu tại Việt Nam, cũng là giống cà phê phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ sau Arabica. Tại Việt Nam, Robusta chiếm đến hơn 90% sản lượng cà phê, giúp Việt Nam dẫn đầu thị trường xuất khẩu cà phê trên thế giới.
Xét về hình dạng, Robusta có hình tròn hơn hạt Arabica, gồm hai hạt cà phê màu nâu vàng sáng. Robusta thường chứa từ 3 – 7% đường với 1.7 – 4% lượng caffeine (gấp đôi lượng caffeine có trong Arabica). Do đó, hương vị của một ly cà phê Robusta sẽ mạnh mẽ, đậm và đắng, có phần “thô” so với một ly cà phê Arabica. Tuy nhiên, Robusta chứa lượng dầu thấp hơn chỉ từ 10 – 12%, điều này giúp cà phê Robusta có lớp crema dày và mượt hơn.
Đối với Việt Nam – thủ phủ của Robusta thì hương vị của hạt Arabica vẫn còn khá mới lạ. Người ta vẫn dành sự ưu ái nhẹ nhàng hơn cho hương vị đậm đắng của Robusta, nhất là khi pha với sữa đặc. Chính vì vậy mà nét văn hoá “cà phê sữa đá” vẫn luôn được người Việt ưa chuộng.
Comments